Sợi Đũi Nam Cao - Một làng nghề, một vùng đất

Sợi Đũi Nam Cao - Một làng nghề, một vùng đất
Thứ Hai,
12/05/2025
Đăng bởi: THEBLOOM

Làng nghề Nam Cao, thuộc xã Nam Cao, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình, là một trong những cái nôi lâu đời của nghề lụa đũi Việt Nam. Truyền thuyết kể rằng nghề đã được đưa về từ cuối thế kỷ 16 bởi những người con đất Vân Xa, Bất Bạt về dạy nghề trồng dâu, nuôi tằm, kéo đũi, dệt cửi. Suốt hơn 400 năm, nghề đũi đã trở thành linh hồn của vùng đất Nam Cao, vừa duy trì sinh kế, vừa giữ lại nét tinh hoa dân tộc.

Nguyên liệu làm ra sợi đũi là tơ tằm, được lấy từ kén của con tằm (Bombyx mori). Cấu trúc của kén tằm chia làm ba lớp:

Sợi Nái: Là lớp sợi ngoài cùng, dày và nhiều, được con tằm nhả ra đầu tiên.

Sợi Tơ: Đây là sợi chính, nằm giữa kén, có chất lượng cao nhất.

Sợi Sồi: Là lớp trong cùng, cuối cùng, sợi thố ra dạng bột, sợi dày.

Người thợ làng Nam Cao sử dụng kỹ thuật truyền thống: đun nóng kén bằng nước nóng, rồi kéo sợi trong nước lạnh. Họ khéo léo xoắn đồng thời ba loại sợi: Nái, Tơ, Sồi để tạo thành sợi đũi bền, xốp, óng ánh. Nghệ thuật này đòi hỏi độ chính xác cao để sợi đều, dài và đạt giá trị.

Kéo sợi là công việc gian nan. Người thợ ngâm tay trong nước hàng giờ liền, dù đông lạnh hay nắng nóng.Vào mùa hè, tay thường bị nước ăn, phải xát phèn chua hoặc dùng nước vò từ lá ruối để làm dịu. Còn mùa đông, tay bị tê cóng, phải liên tục thêm nước nóng để giữ ấm. Sau khi kéo sợi, người thợ còn phải guồng sợi, đánh ống, dệt vải, nhuộm màu... tất cả đều hoàn toàn thủ công và tự nhiên.

Nghề dệt lụa đũi đã qua nhiều thăng trầm. Thời kỳ huy hoàng nhất vào đầu thế kỷ 20: hơn 387 người kéo sợi, 400 khung cửi. Nghề dệt tuýp xo hân hoan phát triển nhưng chỉ tồn tại được 10 năm do chiến tranh. 

Tới năm 2010, làng nghề chỉ còn 3 khung cửi hoạt động. Năm 2012, Hanhsilk đã đến và cùng người dân phục hưng nghề. Đến 2016, đã có hơn 200 hộ tham gia, cùng phục hồi các làng nghề phụ trợ như trồng dâu, nuôi tằm, nhuộm vải.

Để dệt nên một tấm đũi lành, phải có cả một làng nghề cùng gìn giữ. Phải có người kéo sợi chịu khó ngồi bên bếp nóng quanh năm. Phải có người mắc cửi tinh tường từng sợi một. Phải có người nhuộm vải, canh từng độ sắc chín tới trong nồi màu thủ công. Và hơn hết, phải có người còn tin rằng – làm gì bằng tay thì phải có tình, có tâm thì vải mới nên tấm.

Đũi Nam Cao vì thế không trơn láng, mượt bóng như lụa công nghiệp. Nó thô nhẹ, xốp mềm, có những nhịp lơi lả như câu hát xưa ai bỏ quên ngoài bờ ruộng. Nhưng chính điều ấy lại khiến đũi Nam Cao trở nên gần gũi, thân thuộc và đặc biệt – như chính những người thợ đã âm thầm chắt chiu nó qua từng thế hệ.

Ngày nay, đũi Nam Cao đã vượt qua biên giới, trở thành món quà được ưa chuộng tại các nước châu Âu, Bắc Mỹ, Úc... Nhưng có lẽ, điều quý nhất vẫn nằm ở chỗ: tấm đũi ấy được dệt từ sợi yêu nghề, từ lòng mến quê, từ mong muốn sống tử tế với thiên nhiên, với đất, với nghề.

Và ở đâu đó, giữa một xưởng nhỏ trong thôn, vẫn còn tiếng thoi đưa nhịp nhàng, như một mạch đập bền bỉ giữa đời sống hiện đại – nhắc ta nhớ rằng: có những điều xưa cũ vẫn rất đáng để gìn giữ, nâng niu.

(* Hình ảnh thuộc về Đũi Nam Cao)

popup

Số lượng:

Tổng tiền: